Tham gia Đoàn giám sát có đại diện Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Tiếp công dân tỉnh, Sở Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Thanh tra tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh, Hội đồng tư vấn về Dân chủ-pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo địa phương, đơn vị đã báo cáo với Đoàn về kết quả mà địa phương, đơn vị đã đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế còn mắc phải trong quá trình thực hiện. Từ đó, đưa ra các đề xuất, kiến nghị.
Thời gian qua, UBND xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) và UBND huyện Phù Cát đã thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân. Các địa phương có bố trí phòng tiếp công dân, phân công và niêm yết công khai lịch trực tiếp công dân, số điện thoại lãnh đạo địa phương, có phiếu tiếp nhận đơn, lịch hẹn và mở sổ theo dõi công tác tiếp công dân theo quy định…; toàn bộ đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của Nhân dân đều được xem xét kĩ lưỡng và giải quyết theo đúng trình tự, quy trình của pháp luật.
Trong năm 2019 và 9 tháng đầu năm 2020, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã Cát Khánh đã tiếp nhận 69 đơn thư, trong đó 18 đơn khiếu nại, 3 đơn phản ánh, 9 đơn kiến nghị, tranh chấp 39 đơn; đã giải quyết xong 58 đơn, công dân tự rút 4 trường hợp, 7 trường hợp đang thụ lý giải quyết. Trong giải quyết đơn thư tại xã nổi lên một số vụ việc khiếu kiện nhiều lần, kéo dài mặc dù đã được các cấp chính quyền xem xét giải quyết theo quy định nhưng người dân vẫn không đồng ý và tiếp tục khiếu nại lên cơ quan Trung ương.
Cũng trong thời gian trên, tại Trụ sở tiếp công dân của huyện Phù Cát đã tiếp 92 lượt công dân/92 người/84 vụ trực tiếp đến KNTC, phản ánh, kiến nghị, gồm 68 vụ kiến nghị, khiếu nại và 16 vụ phản ánh; tiếp nhận và xử lý 199 đơn/188 vụ, gồm 71 đơn khiếu nại, 15 đơn tố cáo và 113 đơn kiến nghị, phản ánh, tranh chấp, số đơn thuộc thẩm quyền của UBND huyện là 183 đơn, 16 đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết. Các đơn, thư KNTC phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền của UBND huyện đã được phân loại, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Tại buổi giám sát, các thành viên trong Đoàn đã trao đổi, làm rõ thêm một số bất cập, hạn chế trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của các địa phương, đơn vị. Một số ý kiến cho rằng, các địa phương, đơn vị cần làm tốt hơn nữa công tác phân loại đơn và thẩm quyền giải quyết; nâng cao chất lượng thực thi công vụ; đầu tư cơ sở vật chất cho trụ sở tiếp công dân.
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại buổi giám sát
Sau khi nghe các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề trong báo cáo. Đồng chí Hồ Sĩ Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ghi nhận những nỗ lực của địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và công tác hòa giải ở cơ sở; đồng thời chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đơn vị thực hiện tốt quy chế dân chủ, coi trọng công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC giúp ổn định tình hình. Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo, Chi thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị, Quy chế số 08-QC/TU ngày 29/8/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC, nhất là các Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân.
Cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc phát sinh từ cơ sở nên không có vụ việc phức tạp kéo dài; đơn, thư được giải quyết dứt điểm, đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của Nhân dân.
Đối với đơn đã giải quyết đúng thẩm quyền, đúng chính sách và đúng quy định pháp luật nhưng công dân vẫn tiếp tục đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh mà không có tình tiết mới, không có căn cứ... thì ban hành thông báo không thụ lý, thông báo công khai theo quy định pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Kết luận tại buổi giám sát, Đồng chí Hồ Sĩ Dũng – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị trong thời gian tới, các địa phương, đơn vị sẽ quan tâm hơn nữa đến công tác này; kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế mà Đoàn giám sát đã góp ý; thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa phát sinh khiếu nại, tố cáo; giải quyết tốt các mâu thuẫn trong Nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn./.