Hội nghị trực tuyến Phản biện xã hội dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Thứ tư - 13/04/2022 15:15 244 0
Ngày 13/4/2022, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở bằng hình thức trực tuyến trên toàn quốc. Các đồng chí: Lê Tiến Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và đồng chí Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị. Dự và chủ trì tại điểm cầu Bình Định có đồng chí Hồ Sĩ Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; các Hội đồng tư vấn thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; cán bộ công chức cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bình Định
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bình Định
Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 7 chương, 74 điều, trong đó đề cập tới các nội dung quan trọng như thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị; thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp; thanh tra nhân dân; trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở…

Theo định hướng và gợi ý nội dung trọng tâm cần phản biện của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các đại biểu tham dự Hội nghị là các chuyên gia, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, các cán bộ làm công tác Mặt trận ở các cấp... đã tập trung ý kiến phản biện về tính thống nhất, đồng bộ, liên thông của dự thảo Luật và pháp luật hiện hành; phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật; việc thể hiện nguyên tắc thực hiện dân chủ; các quy định thể hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong dự thảo Luật, đặc biệt là những quy định dân chủ cơ sở ở cấp xã, thôn, các nội dung liên quan dân bàn, dân biểu quyết trực tiếp nên mở rộng, bổ sung như thế nào cho phù hợp, sát thực tiễn.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Tiến Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định tầm quan trọng, phạm vi tác động rộng, nội dung phong phú và độ phức tạp cao của Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; đồng thời cho rằng, cần phải nghiên cứu đầy đủ toàn diện hơn những vấn đề lý luận, các hình thức, khái niệm, từ đó tạo sự thống nhất, đồng bộ; nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, để cụ thể hóa hơn, thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”…

Đồng thời, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo thể hiện rõ hơn nữa vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là các vấn đề “dân bàn, dân kiểm tra”. Theo đó, vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải được nhấn mạnh ở khâu chủ động đề xuất các vấn đề dân bàn, dân quyết định, dân được tham gia ý kiến; phải làm rõ hơn nữa vai trò của Mặt trận trong giám sát việc thực hiện các vấn đề dân quyết định, dân kiến nghị, yêu cầu; các phương thức để thực hiện các hoạt động giám sát xã hội theo các kiến nghị, đề xuất, yêu cầu của Nhân dân; trong việc hỗ trợ Nhân dân thực hiện kiểm tra chính quyền địa phương cấp xã thực hiện các nội dung được kiểm tra; trong việc hỗ trợ Nhân dân tham gia đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân có hiệu quả…

Trước đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã triển khai tổ chức lấy ý kiến góp ý rộng rãi dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đến các tổ chức thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Ban Công tác Mặt trận trên địa bàn tỉnh và đã có Văn bản tổng hợp góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gửi Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Tác giả bài viết: Diễm Sương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây