Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp huyện Tây Sơn dồn lực giúp Vĩnh An về đích nông thôn mới 2023
Thứ ba - 19/09/2023 07:392290
Bắt đầu từ năm 2022, UBMTTQ Việt Nam huyện Tây Sơn đã phát động thi đua cao điểm tuyên truyền, vận động ủng hộ để giúp xã Vĩnh An thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ xóa nhà ở đơn sơ. Qua một năm triển khai, phong trào đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các cơ quan đơn vị trong và ngoài huyện bằng những chương trình hỗ trợ cụ thể, góp phần giúp hàng trăm gia đình cải thiện điều kiện sống, hàng chục gia đình có mái ấm an vui và tạo sự thay đổi về diện mạo ở xã miền núi này.
Gia đình chị Đinh Thị Tắc ở làng Giọt 1 là một trong 14 gia đình được hỗ trợ xây dựng lại nhà ở trong năm nay ở xã miền núi Vĩnh An. Ngôi nhà được xây dựng với diên tích khoảng 30m2, tổng kinh phí hơn 50 triệu đồng từ chương trình mái ấm khăn quàng đỏ của Hội Đồng đội tỉnh hỗ trợ. Ngôi nhà với diện tích nhỏ nhưng mang lại hạnh phúc rất lớn cho 5 thành viên trong gia đình. Nhà mới giúp vợ chồng chị và 3 con an toàn dưới nắng, mưa. Các con không còn phải tránh trốn nước dột từ mái dội xuống nơi ăn học, ngủ nghỉ khi mưa bão đến. Bên cạnh căn nhà mới, gia đình chị còn được UBMTTQ Việt Nam huyện Tây Sơn xây dựng công trình vệ sinh, nhà tắm, bồn nước sinh hoạt với trị giá 10 triệu đồng.
Gia đình bà Đinh Thị Dứt ở làng Giọt 1, được hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh trong đợt này. Gia đình bà được nhà nước hỗ trợ 50 triệu xây dựng nhà ở, đồng thời hỗ trợ 10 triệu xây dựng công trình vệ sinh. Với bà, các chương trình hỗ trợ, tiếp sức của nhà nước, các tổ chức đơn vị, nhà hảo tâm giúp gia đình có cuộc sống tốt hơn. Kể từ khi xây dựng xong, các công việc thường ngày như tắm giặt, giải quyết nhu cầu vệ sinh cá nhân thuận tiện hơn rất nhiều.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Tây Sơn: Tập trung xây dựng xã Vĩnh An đạt chuẩn nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng bộ huyện Tây Sơn. Chính vì vậy, UBMTTQ Việt Nam huyện đã phát động thi đua cao điểm tuyên truyền, vận động ủng hộ để giúp xã Vĩnh An thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ xóa nhà ở đơn sơ. Theo đó, cơ quan mặt trận huyện lên kế hoạch hỗ trợ xây dựng 293 công trình vệ sinh gia đình, mỗi công trình 10 triệu đồng, đồng thời kêu gọi, ủng hộ xây dựng 7 nhà đại đoàn kết. Tới nay, các cơ quan, đơn vị tổ chức trong và ngoài địa phương hỗ trợ xây dựng được 16 nhà đại đoàn kết, 146 công trình vệ sinh. Số công trình vệ sinh còn lại đang tiếp tục triển khai. Ngoài việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, UBMTTQ Việt Nam huyện còn phối hợp với các hội đoàn thể, cơ quan triển khai các chương trình hỗ trợ nâng cao sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Vĩnh An. Thời gian tới, UBMTTQ Việt Nam huyện tích cực phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tuyên truyền, khơi dậy ý chí, quyết tâm xây dựng đời sống no ấm của mỗi người dân xã Vĩnh An. Mỗi người phải nỗ lực vươn lên thì công cuộc xây dựng nông thôn mới ở đây mới thực sự bền vững.
Xã Vĩnh An có gần 440 hộ dân với hơn 1.560 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Banar. Đồng chí Đinh Hoang Bình - Chủ tịch UBND xã Vĩnh An: Đời sống của đa số người dân ở địa phương còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2021 còn trên 20%. Hiện kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào trồng rừng kinh tế, bình quân mỗi hộ khoảng 1 ha, nhận khoáng quản lý bảo vệ rừng và chăn nuôi nhỏ lẻ tại gia đình. Riêng sản xuất lúa nước thì chỉ cơ bản đảm bảo lương thực tại chỗ do diện tích sản xuất nhỏ lẻ, bình quân mỗi người chỉ hơn 300m2 đất ruộng. Xã Vĩnh An được huyện Tây Sơn tập trung đầu tư, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, lộ trình đến năm 2023 sẽ đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là điều kiện thuận lợi nhưng cũng đi kèm không ít thách thức khi nội lực của người dân còn yếu. Do đó, việc UBMTTQ Việt Nam huyện phát động phong trào hỗ trợ xã Vĩnh An xóa nhà ở đơn sơ và xây dựng công trình vệ sinh gia đình góp phần thiết thực giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2023 này, địa phương đã triển khai một số mô hình, dự án nâng cao sinh kế cho người dân. Đó là các mô hình nuôi heo đen, nuôi gà thả đồi, khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm, thí điểm mô hình trồng khổ qua rừng và khuyến khích người dân tham gia trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC. Địa phương cũng rất mong mỏi điểm Khu du lịch Thác Đổ nằm sâu giữa núi rừng của xã được đầu tư trở thành 1 điểm du lịch mới của huyện Tây Sơn. Điểm du lịch này thành hình sẽ giúp bà con Banar địa phương phát triển các nghề truyền thống, hoạt động văn hóa nghệ thuật, các sản vật đặc trưng để phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng, thu hút du khách, từ đó nâng cao đời sống cho từng gia đình.