Trong quá trình hoạt động cách mạng ở nước ngoài, đồng chí Nguyễn Ái Quốc luôn theo dõi sát sao tình hình trong nước để tìm thời điểm thích hợp trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Ngày 28.1.1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc về đến Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), kết thúc chặng đường dài 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, đồng thời mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam.
Ngay sau khi về nước, tại Pác Bó, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo công tác thí điểm xây dựng Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh nhằm tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân vào hàng ngũ các đoàn thể cứu quốc; đồng thời kiểm nghiệm, bổ sung, hoàn thiện về chính cương, điều lệ, phương pháp tổ chức của Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh trước khi mở rộng việc xây dựng ra cả nước.
Dưới sự chỉ đạo của Người, công tác thí điểm xây dựng Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh được nhanh chóng triển khai ở ba châu: Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình. Chỉ trong vòng 3 tháng, từ tháng 2 - 4.1941, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh đã thu hút đến 2.000 người thuộc đủ các thành phần dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông..., đủ các lứa tuổi, đủ các giới tham gia các đoàn thể: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc… Trước sự lớn mạnh của các đoàn thể cứu quốc ở ba châu thí điểm, theo chỉ thị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tháng 4.1941 Hội nghị cán bộ Cao Bằng tổ chức rút kinh nghiệm về tổ chức Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh.
Với danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản, từ ngày 10 - 19.5.1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tại lán Khuổi Nậm (Pác Bó, xã Trường Hà). Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Bùi San, Hồ Xuân Lưu… Hội nghị quyết định sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng - khẳng định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Hội nghị khẳng định: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi lại được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, phải vận dụng phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết, làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc của nhân dân, nên Mặt trận không thể gọi như trước mà phải dùng tên khác phù hợp hơn với nhiệm vụ cách mạng giai đoạn hiện tại. Bởi vậy, theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, các giới… thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng.
Ngày 19.5.1941, Mặt trận Việt Minh ra đời thay cho Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương. Mặt trận Việt Minh lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của Việt Minh và sẽ làm cờ Tổ quốc khi thành lập nước. Đối với Lào và Campuchia, Hội nghị chủ trương giúp đỡ nhân dân hai nước thành lập Ai Lao độc lập đồng minh và Cao Miên độc lập đồng minh. Về mặt chính quyền, Hội nghị cũng nêu rõ, sau khi cách mạng thành công sẽ lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Mặt trận Việt Minh chính thức ra đời với Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ cụ thể, nêu rõ những chính sách cơ bản về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, ngoại giao và các chính sách cụ thể đối với các tầng lớp nhân dân nhằm liên hiệp tất cả các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, “cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước: Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do”.
Việc quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh là một chủ trương hết sức sáng suốt của Trung ương Đảng và của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy sự phát triển phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Thông qua Mặt trận Việt Minh, những chủ trương lãnh đạo của Đảng đã nhanh chóng đi vào phong trào quần chúng. Đảng ta đã xây dựng được một khối lực lượng chính trị quần chúng mạnh mẽ, được rèn luyện qua những phong trào cách mạng. Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh là kết quả của đường lối chính trị đúng đắn của Đảng với tư tưởng cách mạng khoa học, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc.
Mặt trận Việt Minh đã lôi cuốn, tập hợp quần chúng cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần quyết định vào sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh để đất nước hoàn toàn thống nhất, tiến lên xây dựng XHCN.
Tác giả bài viết: Theo Báo Bình Định