MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM CÁC CẤP THAM GIA CÔNG TÁC HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ - THỰC TRẠNG VÀ KINH NGHIỆM

Thứ năm - 13/02/2020 11:32 687 0
(Mặt trận) -Hoà giải ở cơ sở được thực hiện thông qua hoạt động của tổ hoà giải hoặc các tổ chức thích hợp khác của nhân dân ở thôn xóm, bản, tổ dân phố và các cụm dân cư khác như: các chợ cố định, các tụ điểm du lịch, khu vui chơi giải trí phù hợp với pháp luật, đạo đức và phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân nhằm củng cố sự đoàn kết nội bộ nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM CÁC CẤP THAM GIA CÔNG TÁC HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ - THỰC TRẠNG VÀ KINH NGHIỆM

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia công tác hòa giải ở cơ sở là tổng thể các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ hoạt động xây dựng văn bản hướng dẫn tuyên truyền Luật hòa giải ở cơ sở, tham gia xây dựng tổ chức bộ máy hòa giải ở cơ sở đến giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở và phối hợp kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở…

1. Thực trạng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia công tác hòa giải ở cơ sở (2014-2019)

* Ưu điểm:

Một là, xây dựng văn bản hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến giáo dục Luật hòa giải cơ sở.

Ngày 18/11/2014 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ đã ký kết Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Theo đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương cũng đã ký kết chương trình phối hợp về thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.

Công tác phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật nói chung và pháp luật về hoà giải ở cơ sở trên phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ thống truyền thanh cơ sở được triển khai thực hiện có hiệu quả.

Hai là, tham gia xây dựng tổ chức bộ máy hòa giải ở cơ sở, tham gia tuyển chọn hòa giải viên ở cơ sở.

Nhìn chung, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tích cực phối hợp, tham gia bầu hòa giải viên, mở rộng, thu hút được nhiều thành phần, nhiều lực lượng tham gia. Số lượng, chất lượng của đội ngũ hòa giải viên từng bước được đảm bảo, hầu hết hòa giải viên đều nêu cao tinh thần tự nguyện, nhiệt tình, trách nhiệm, nhiều hòa giải viên vững về chuyên môn, nghiệp vụ, thành thạo về kỹ năng hòa giải ở cơ sở. Đến tháng 4-2019, cả nước có 106. 583 tổ hoà giải với 660.089 hòa giải viên, trong đó, cán bộ Mặt trận tham gia làm hòa giải viên 128.091 còn lại hòa giải viên là cán bộ làm công tác của Phụ nữ, Cựu Chiến binh, Người cao tuổi, Đoàn thanh niên, Già làng, Trưởng bản, các chức sắc tôn giáo, người có uy tín, nguyên cán bộ làm công tác pháp luật nghỉ hưu tại địa phương[1]

Ba là, vận động nhân dân xây dựng nội dung thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở trong hương ước, quy ước.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ động phối hợp với ngành tư pháp cùng cấp tham mưu cho chính quyền địa phương đưa nội dung thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở vào xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trong đó đề ra các giải pháp thực thi hiệu quả, đồng thời, kịp thời phát hiện và giải quyết nhanh các mâu thuẫn ngay từ cơ sở, giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng dân cư góp phần đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Bốn là, giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

Hoạt động giám sát về thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở luôn được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp chú trọng. Định kỳ hàng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải cơ sở hoặc lồng ghép vào kiểm tra công tác dân chủ - pháp luật trong đó có nội dung về công tác Mặt trận tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Sau kiểm tra, giám sát có những đề xuất, kiến nghị đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có những khắc phục những tồn tại, hạn chế, thực hiện tốt hơn công tác hòa giải ở cơ sở.

Năm là, phối hợp kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở…

Công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận với cơ quan tư pháp trong việc triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở có những chuyển biến tích cực trong củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Tổ hòa giải, việc tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Trong 5 năm, các địa phương tiếp nhận 733.159 vụ việc, trong đó hòa giải thành: 599.983 vụ việc, hòa giải không thành: 133.176 vụ việc, số vụ việc hòa giải thành đạt tỷ lệ 81,8 %[2]. Hoạt động sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải được quan tâm thực hiện.

* Hạn chế, khuyết điểm:

Một là, xây dựng văn bản hướng dẫn tuyên truyền về Luật về hòa giải ở cơ sở.

Việc triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các văn bản pháp luật ở một số cơ sở còn dàn trải, chưa thường xuyên; phổ biến pháp luật từ xã tới nhân dân thôn, bản, khu phố còn hạn chế. Ở một số địa phương, công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở còn chậm đổi mới về nội dung và hình thức thực hiện nên hiệu quả chưa cao. Đối với một số tỉnh miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi cộng đồng dân cư đều có nét văn hóa, phong tục khác nhau nên để am hiểu tiếng nói, phong tục, tập quán của các cộng đồng dân tộc khác nhau nhằm phục vụ cho công tác hòa giải  là điều không dễ dàng đối với đội ngũ hòa giải viên.

Hai là, tham gia xây dựng tổ chức bộ máy hòa giải ở cơ sở, tham gia tuyển chọn hòa giải viên ở cơ sở.

Ban công tác Mặt trận ở cơ sở đôi lúc chưa chủ động kiến nghị Ban thường trực UBMTTQVN cấp xã trong củng cố, kiện toàn tổ hòa giải khi có sự thay đổi. Nhìn chung, chất lượng đội ngũ hòa giải viên cơ sở chưa cao, số lượng hòa giải viên có chuyên môn Luật còn ít ỏi, chỉ có 22.746 người, chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 3,5%. Số lượng hòa giải viên là nữ chiếm tỷ lệ nhỏ, năm 2008 cả nước có 651.788 hòa giải viên, trong đó chỉ có khoảng 28,5% hòa giải viên là nữ. Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho hòa giải viên chưa được tổ chức định kỳ thường xuyên. Số lượng hòa giải viên được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ hằng năm còn hạn chế. Trong năm 2018, cả nước chỉ có 237.042 hòa giải viên được bồi dưỡng, chiếm khoảng 36,4% tổng số hòa giải viên; cả nước còn có đến 73,6% số hòa giải viên chưa được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ[3].

Kinh phí cấp cho công tác hòa giải còn thiếu, thậm chí một số địa phương không có hoặc chưa bố trí được kinh phí hoạt động và thù lao cho các vụ việc hòa giải nên chưa thể động viên kịp thời đối với các hòa giải viên tham gia hòa giải và hoạt động của tổ hòa giải.

Ba là, vận động nhân dân xây dựng nội dung thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở trong hương ước, quy ước.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở một số địa phương chưa quan tâm khuyến khích hòa giải viên ở cơ sở tham khảo, vận dụng hương ước, quy ước để hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong quá trình hòa giải tại cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

Hoạt động phối hợp giữa Trưởng ban công tác Mặt trận với Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội của thôn, tổ dân phố vận động hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước chưa được chặt chẽ, nhịp nhàng.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở một số địa phương chưa quan tâm rà soát, phát hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế hương ước, quy ước hoặc kiến nghị xử lý hương ước, quy ước vi phạm. Bên cạnh đó, một số Ủy ban Mặt trận Tổ quốc chưa chủ động trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ, không áp dụng phong tục, tập quán lạc hậu, trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Bốn là, giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

Hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp còn nhiều hạn chế. Ở một số địa phương chưa xây dựng được kế hoạch giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó việc cung cấp thông tin về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở còn chậm, còn thiếu. Chưa tổ chức được hoạt động đối thoại với đối tượng được giám sát.Nội dung giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở chưa được đưa vào các chương trình giám sát. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chưa tích cực, chủ động cử người tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

Năm là, phối hợp, kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở…

Trong công tác hòa giải ở cơ sở, hoạt động phối hợp đa ngành chưa tốt, chưa đồng bộ. Việc phối hợp giữa cơ quan Tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam một số xã, phường, thị trấn còn mang tính định hướng công việc, chung chung, chưa xác định hết đầu công việc phải phối hợp thực hiện trong năm, chưa phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tập thể và cá nhân phụ trách, nên ảnh hưởng đến công tác hòa giải ở cơ sở.

Việc lồng ghép hoạt động hòa giải ở cơ sở trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động ở cơ sở do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, các phong trào thi đua yêu nước mặc dù đã được quan tâm triển khai nhưng ở một số nơi chưa đi vào chiều sâu, hiệu quả chưa cao.

Công tác sơ kết, tổng kết, khen thưởng các cá nhân, tập thể điển hình có thành tích trong công tác hòa giải chưa được tổ chức hằng năm.

2. Một số kinh nghiệm phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong công tác hòa giải ở cơ sở

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm góp phần nâng cao nhận thức về các quy định pháp luật cho các tầng lớp nhân dân.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng nhiều hình thức khác nhau, tập trung các lĩnh vực liên quan đến đời sống sinh hoạt cộng đồng. Mục đích của công tác tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, phổ biến, giáo dục pháp luật của Nhà nước  nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tuyên truyền về tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở đối với đời sống xã hội. Chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” của cộng đồng dân cư; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tương thân, tương ái, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ sở bằng nhiều hình thức phù hợp, qua đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tạo thói quen về nhu cầu tự tìm hiểu pháp luật của nhân dân, từ đó sẽ hạn chế vi phạm pháp luật, nâng cao khả năng tự điều chỉnh, tự giải quyết những va chạm, xích mích, tranh chấp trong cuộc sống hằng ngày.

Trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, cần chú ý lồng ghép các nội dung quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Kết hợp chặt chẽ tuyên truyền, vận động nhân dân về công tác hòa giải ở cơ sở với tuyên truyền, vận động thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào xây dựng nông thôn mới và thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự ở địa phương, hạn chế các vụ việc tiêu cực và mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư.

Xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp hoạt động giữa cấp ủy, chính quyền, ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân cùng cấp trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Trong quy chế phối hợp, quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các chủ thể. Trong quy chế phối hợp công tác cần có điều khoản cụ thể về thiết lập hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin một cách khoa học, nhanh nhạy, chính xác, kịp thời giữa các chủ thể phối hợp.

Hai là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đối với việc nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên cơ sở.

Bộ Tư pháp, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn việc củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng Tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc rà soát số lượng, chất lượng đội ngũ hòa giải viên; chuẩn hóa các tiêu chuẩn, điều kiện để được công nhận là hòa giải viên; bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải; tạo điều kiện cho hòa giải viên giao lưu, học hỏi kỹ năng hòa giải thông qua các hoạt động như thi Hòa giải viên giỏi hoặc tổ chức các lớp tập huấn, khóa đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.

Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ hoà giải viên. Việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật có thể tổ chức định kỳ mỗi năm ít nhất 1 lần, hoặc tổ chức theo chuyên đề để cập nhập kịp thời những văn bản pháp luật mới vừa được thông qua, các văn bản pháp luật này liên quan chặt chẽ đến đời sống nhân dân địa phương. Nội dung tập huấn nên xây dựng mềm dẻo, linh hoạt và phù hợp với đặc thù công tác hoà giải ở địa phương. Có thể tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ hoà giải và phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở hoặc giới thiệu các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động hoà giải ở cơ sở.

Tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hoà giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi với những nội dung phong phú, đa dạng và sinh động. Các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hòa giải viên là một trong các hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật có sức hấp dẫn và hiệu quả, thông qua các hội thi những nội dung pháp luật được truyền tải đến các đối tượng một cách đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sinh động hơn, tránh được sự cứng nhắc, khô khan; đối tượng của hội thi rất rộng rãi, tiếp nhận các kiến thức pháp luật một cách thỏa mái và hoàn toàn chủ động qua đó khả năng áp dụng pháp luật của đối tượng được nâng cao. Vì vậy, pháp luật có điều kiện lan tỏa, phát huy rộng rãi trong cuộc sống người dân.

 Các hội thi này một mặt khuyến khích, động viên phong trào hoà giải trong cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng, mặt khác còn là dịp tốt để các Hoà giải viên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm hoạt động hoà giải. Ngoài ra, có thể tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ cho các Hoà giải viên, đưa công tác hoà giải lồng vào các hoạt động phong trào khác của địa phương, như: phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội...

Ba là, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tranh thủ các điều kiện thuận lợi khi tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.

Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết, cố kết cộng đồng. Khi tinh thần thống nhất, đồng thuận, đoàn kết được phát huy thì sẽ những mâu thuẫn trong nhân dân sẽ khó tồn tại. Phát huy tính cộng đồng và tính tự quản của các khu dân cư để giải quyết các công việc nội bộ, bảo đảm đoàn kết, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường, xây dựng cuộc sống mới…

Mặt trận Tổ quốc các cấp tham gia thúc đẩy hình thành các Hương ước, Quy ướctrong các làng, xã, khu dân cư, tổ dân phố… Mặt trận Tổ quốc các cấp phổ biến, nhân rộng các phương thức tự quản của nhân dân. Xây dựng và thực hiện Hương ước, Quy ước ở cơ sở tạo tiền đề thuận lợi trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.

Mặt trận Tổ quốc các cấp ung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật  cho đội ngũ Hoà giải viênViệc cung cấp thông tin pháp luật, tài liệu văn bản pháp luật là một trong những  nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở. Tài liệu nghiệp vụ, tài liệu pháp luật có thể gồm các đề cương tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; Sổ tay nghiệp vụ hoà giải; báo chí về pháp luật; Sách hỏi - đáp pháp luật phổ thông; tờ rơi, tờ gấp và các tài liệu cần thiết khác. Vì vậy, các cơ quan tư pháp ở địa phương cần có kế hoạch và biện pháp cụ thể để cung cấp đầy đủ các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động hoà giải ở cơ sở cho các Tổ hoà giải. Cần đẩy mạnh công tác xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn để có nguồn văn bản cho các Hoà  giải viên.

Mặt trận Tổ quốc các cấp góp phần tháo gỡ khó khăn về kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở.Đây là một trong nhưng vấn đề mà qua công tác kiểm tra, khảo sát nhiều địa phương gặp khó khăn, vướng mắc như: chế độ thù lao cho Hòa giải viên còn thấp, thu tục thanh quyết toán còn rườm rà gây khó khăn cho Hòa gioải viên  trong quá trình triển khai thực hiện. 

Bốn là, thực hiện sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác hòa giải ở cơ sở.

Tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết hay toạ đàm trao đổi kinh nghiệm về hoạt động hoà giải ở cơ sở và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giảiĐây là công việc cần thiết phải làm thường xuyên, một mặt theo dõi tổng hợp, đánh giá về tổ chức và đội ngũ Hòa giải viên của các Tổ hòa giải, mặt khác đây còn là diễn đàn để các Hoà giải viên có thể trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, giúp nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác hoà giải. Đồng thời, qua việc sơ kết, tổng kết về hoạt động hòa giải ở cơ sở giúp chính quyền địa phương có điều kiện hiểu rõ những thuận lợi, khó khăn, kết quả cũng như kiến nghị về công tác hòa giải nói riêng và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung. Cần tổng kết nghiên cứu sửa đổi Luật hòa giải ở cơ sở. Hiện nay quy trình bầu Hòa giải viên còn rườm rà mang tính hình thức khó thực hiện, nhất là việc tổ chức họp dân. Vì vậy, đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là quy định tại Điều 8 luật hòa giải ở cơ sở về bầu công nhận hòa giải viên; Điều 11, Điều 12, Điều 13 Nghị quyết liên tịch số 01, theo hướng đơn giản hóa các thủ tục bầu, miễn nhiệm Hòa giải viên ở cơ sở.

Nhân rộng mô hình, cách làm có hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở để các Tổ hòa giải cùng học tập, trao đổi kinh nghiệmthông qua các hội nghị tập huấn, hội thi và kịp thời biểu dương, khen thưởng để các hòa giải viên luôn cố gắng nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ hòa giải, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

TS Lê Mậu Nhiệm

Phó Giám đốc Trung tâm BDCB và NCKH, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây