Một số suy nghĩ về nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới

Thứ năm - 13/02/2020 11:08 717 0
Thực hiện giám sát, phản biện xã hội trong xây dựng nông thôn mới, những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới. Bài viết đề xuất những giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong xây dựng nông thôn mới.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình phát triển nông thôn toàn diện, bao gồm nhiều nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, đến an ninh trật tự ở nông thôn. Vì thế, phải huy động sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị của nước ta vào cuộc. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở các cơ sở, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên để đảm bảo cho người dân và cộng đồng dân cư là chủ thể, là nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới; giúp cho người dân được biết, được bàn, được quyết định, được tự mình làm, tự giám sát và được thụ hưởng kết quả một cách công khai và minh bạch. Để làm tốt vai trò đó, trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có nhiều hoạt động, như: tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới; gắn kết việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh với việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ trì nhiều năm qua đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhân dân ở nông thôn và đô thị về đời sống văn hóa trong việc xây dựng nông thôn và đô thị văn minh, giàu đẹp. Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã coi trọng các hoạt động giám sát và phản biện xã hội trong xây dựng nông thôn mới bằng việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong qui hoạch xây dựng, trong huy động, sử dụng nguồn lực từ nhân dân, trong việc thu chi tài chính, đền bù giải phóng mặt bằng, vệ sinh an toàn thực phẩm… Qua các hoạt động giám sát và phối hợp giám sát với các tổ chức cơ quan nhà nước, Mặt trận đã nắm bắt kịp thời thông tin, lắng nghe được ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Từ đó, kịp thời đưa ra các kiến nghị với cấp ủy và chính quyền địa phương điều chỉnh việc thực hiện chương trình, mục tiêu xây dựng nông thôn mới cho phù hợp với lòng dân và xử lý các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, cản trở việc thực hiện.

 

Để tiếp tục phát huy các thành quả nói trên, đặc biệt là trong việc nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong xây dựng nông thôn mới, bài viết đóng góp một số ý kiến sau đây:

 

Một là, phải tiếp tục đổi mới tư duy nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đối với công tác giám sát, phản biện xã hội nói chung và giám sát, phản biện xã hội trong xây dựng nông thôn mới nói riêng.

Giám sát và phản biện xã hội đã được Hiến pháp năm 2013 quy định (Điều 9) và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cụ thể hóa thành hai chương, nhưng giám sát và phản biện xã hội vẫn còn là vấn đề mới. Vì thế, trong nhận thức cũng như tổ chức thực hiện, giám sát và phản biện xã hội chưa được xem là một phương tiện kiểm soát quyền lực nhà nước, nhằm đảm bảo cho quyền lực nhà nước hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật, góp phần phòng, chống sự tha hóa của quyền lực nhà nước. Hiến pháp năm 2013 đã đặt nền móng Hiến định cho sự ra đời một cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước của các chủ thể không phải là Nhà nước có quyền kiểm soát quyền lực nhà nước. Đó là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bao gồm: các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các cá nhân tiêu biểu thực hiện giám sát và phản biện xã hội (Điều 9); Công đoàn Việt Nam tham gia kiểm tra, thanh tra giám sát (Điều 10); và công dân thực hiện các quyền cơ bản của mình bằng các hình thức dân chủ trực tiếp (Điều 6). Phát huy đầy đủ trách nhiệm của các chủ thể không phải Nhà nước, nhưng lại là những chủ thể quyết định sự ra đời, tồn tại và phát triển của quyền lực nhà nước sẽ là nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo cho “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân ” (Điều 2). Có nhận thức đầy đủ và sâu sắc như vậy, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc mới không mang tính hình thức, mới đi tới cùng. Không nên nghĩ rằng, giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là giám sát, phản biện mang tính xã hội nên không có hiệu lực và hiệu quả. Nói tính chất giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là giám sát, phản biện mang tính xã hội là để chỉ chủ thể giám sát là toàn thể nhân dân tham gia trong các tổ chức rộng lớn của mình, nhưng đều phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Với chủ thể giám sát và phản biện mang tính xã hội rộng lớn, nên sức mạnh của giám sát, phản biện xã hội cũng mang tính xã hội rộng lớn, do đó, tuy không có các các chế tài cụ thể, nhưng sức mạnh của giám sát, phản biện xã hội lại rất sâu rộng. Đó là sự đồng tình hay lên án của dư luận xã hội và nhiều khi dư luận xã hội lên án còn nặng nề hơn là một chế tài pháp lý cụ thể. Vì thế, đổi mới tư duy, nhận thức đầy đủ và đúng đắn về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là giải pháp trước tiên để nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội.

 

Hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013.

 

Mặc dù Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 đã cụ thể hóa về giám sát, phản biện xã hội mà Hiến pháp năm 2013 quy định. Tuy nhiên, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 với 2 Chương 12 Điều đã thể chế được những vấn đề lớn về đối tượng, nội dung giám sát, phản biện, hình thức giám sát phản biện xã hội, quyền và trách nhiệm của Mặt trận và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giám sát, phản biện xã hội. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa quy định nội dung, phạm vi, trình tự thủ tục và hậu quả pháp lý của giám sát, phản biện xã hội. Theo Hiến pháp, Mặt trận Tổ quốc còn bao gồm các cá nhân tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân, nhưng Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa xem là một chủ thể giám sát, phản biện xã hội, nên chưa được thể chế hóa. Nhân dân với tư cách là các cá nhân công dân được Hiến pháp ghi nhận có những quyền dân chủ trực tiếp như tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với các cơ quan nhà nước về những vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước (Khoản 1, Điều 28); công dân có quyền hội họp, lập hội, biểu tình (Điều 25). Hiện vẫn chưa được Luật cụ thể hóa để công dân không những có điều kiện thực hiện quyền mà còn góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua việc công dân thực hiện quyền cơ bản của mình.

 

Thực tiễn hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc thời gian qua chỉ ra rằng, các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội không được cơ quan, cá nhân là đối tượng chịu sự giám sát, phản hồi nên không biết kết quả giám sát, phản biện như thế nào. Vì thế, Luật cũng cần phải bổ sung các quy định về trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát, phản biện xã hội trong việc phản hồi, tiếp thu và thực hiện các kiến nghị sau giám sát, phản biện. Đồng thời, quy định trách nhiệm theo dõi đến cùng của chủ thể có quyền giám sát đối với việc tiếp thu và thực hiện các kiến nghị của mình.

 

Ba là, tăng cường sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với các tổ chức thành viên, các cá nhân tiêu biểu là các già làng, trưởng bản, các nhân sĩ tri thức, các nhà khoa học tham gia vào hoạt động giám sát, phản biện xã hội tại cơ sở. Thực tiễn chỉ ra rằng, tổ chức các cuộc giám sát định kỳ đối với các cấp chính quyền, với sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức thành viên và thu hút được sự tham gia của những người tiêu biểu trong dân cư là các cuộc giám sát có hiệu lực và hiệu quả trực tiếp trong việc xây dựng nông thôn mới. Tại các cuộc giám sát này, một mặt động viên và phát huy những ưu điểm, kết quả đạt được, mặt khác chỉ ra những thiếu sót, hạn chế của chính quyền và các cá nhân có trách nhiệm để kịp thời uốn nắn và khắc phục, tạo ra động lực mới và mạnh mẽ cho phong trào xây dựng nông thôn mới.

 

Bốn là, nội dung của các cuộc giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc cần tập trung vào những vấn đề trực tiếp gắn với cuộc sống của nhân dân, gắn với các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, mà trọng tâm là hướng vào những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc đang cản trở công cuộc xây dựng nông thôn mới. Theo đó, nội dung giám sát của Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng nông thôn mới là việc tổ chức, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và của những cá nhân có trách nhiệm trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương có nội dung rộng lớn, tổng hợp. Do đó, giám sát của Mặt trận Tổ quốc phải biết lựa chọn những vấn đề trọng tâm, bức xúc gắn trực tiếp đến lợi ích chính đáng của nhân dân trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo ra những tác động dây chuyền đến việc thực hiện toàn bộ chủ trương, chính sách, pháp luật xây dựng nông thôn mới.

 


Theo Tạp chí Mặt trận số 185+186

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây