MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội: Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0

Thứ hai - 13/09/2021 08:43 533 0
Họp trực tuyến, sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số, liên lạc qua Zalo… nhiều biện pháp đã được MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện để đảm bảo hoạt động trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Hình thức hội nghị trực tuyến ngày càng phổ biến trong hệ thống MTTQ Việt Nam với nhiều ưu thế, phù hợp với tình hình dịch Covid-19.
Hình thức hội nghị trực tuyến ngày càng phổ biến trong hệ thống MTTQ Việt Nam với nhiều ưu thế, phù hợp với tình hình dịch Covid-19.
Nhanh chóng, thuận tiện
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển KT-XH, đời sống nhân dân, nhiều hoạt động phải tạm dừng để tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch. Để công tác Mặt trận, đặc biệt là các hoạt động phòng, chống dịch của MTTQ các cấp trong tỉnh được triển khai hiệu quả, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hướng dẫn MTTQ các cấp trong tỉnh đổi mới phương thức hoạt động thông qua nhiều hình thức, đặc biệt là ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hồ Sĩ Dũng, MTTQ tỉnh đã triển khai, sử dụng các phần mềm họp trực tuyến như: Google meet, Webex meetings, Microsoft team… để tổ chức họp trực tuyến trong hệ thống MTTQ từ tỉnh đến huyện nhằm đánh giá kết quả hoạt động và triển khai các nhiệm vụ được kịp thời, đảm bảo công tác phòng, chống dịch hiện nay.


Đồng thời, cài đặt và sử dụng phần mềm mạng nội bộ của Đảng (Lotus Notes), chữ ký số để ký và gửi các văn bản điện tử trong hệ thống Mặt trận từ tỉnh đến cấp huyện, gửi nhận văn bản và giải quyết công việc một cách nhanh chóng, thuận tiện. Qua đó, góp phần tiết kiệm chi phí, từng bước nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính và đảm bảo chế độ bảo mật, phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là trước diễn biến, tình hình dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay.

Đặc biệt, đã xây dựng nhiều nhóm Zalo: Tại cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trong các tổ chức thành viên, Ban Thường trực với các hội đồng tư vấn Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, kết nối từ tỉnh đến cấp huyện, từ tỉnh đến cấp xã, khu dân cư. Cùng với đó là thiết lập, sử dụng và kết nối email đến các tổ chức, cá nhân để kịp thời thông tin hai chiều, nắm tình hình cơ sở và nhân dân, đặc biệt là diễn biến dịch Covid-19, những khó khăn ở cơ sở, khu dân cư trong công tác phòng, chống dịch và nhu cầu thiết yếu của nhân dân ở những vùng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để có giải pháp, hoạt động hỗ trợ kịp thời.

Trong khi đó, để đảm bảo công tác triển khai các hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi được xuyên suốt, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cũng đã kịp thời chuyển đổi các hình thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức các hoạt động. Không tập trung đông người, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục được tổ chức theo hình thức trực tuyến, livestream; tổ chức các cuộc thi theo hình thức gửi video, hình ảnh; thiết kế các inforgraphic để lan tỏa thông điệp.

Đối với công tác thông tin, liên lạc, đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội thành lập các hội, nhóm thông qua các công cụ điện tử, mạng xã hội như Zalo, Facebook, Viber… qua đó thường xuyên và kịp thời thông tin chỉ đạo tổ chức hoạt động cho các đơn vị. “Về cơ bản, với các hình thức triển khai trên đã đảm bảo việc kịp thời, thông suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ”, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Hồng Hiệp nhận định.

Thiết thực, hiệu quả
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để triển khai tổ chức các hoạt động công tác Mặt trận cũng như các tổ chức chính trị - xã hội vẫn còn gặp không ít khó khăn. Việc tổ chức họp trực tuyến chủ yếu triển khai trên điện thoại di động, có lúc bị gián đoạn do đường truyền yếu. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và cấp huyện đang sử dụng phần mềm mạng nội bộ để thực hiện ký chữ ký số và gửi các văn bản điện tử. Phần mềm này có tính bảo mật rất cao, nhưng chỉ được cài đặt vào máy vi tính cố định tại cơ quan, gây khó khăn cho việc tiếp nhận, xử lý và ký văn bản điện tử khi cán bộ Mặt trận các cấp trực đang trực tiếp tham gia, túc trực tại cơ sở, khu dân cư, các chốt để nắm tình hình và tham gia phòng, chống dịch.

Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lê Từ Bình, thêm một rào cản lớn là hệ thống văn phòng điện tử mới được triển khai từ Tổng LĐLĐ Việt Nam đến các tỉnh và ngược lại, chưa có lộ trình “phủ sóng” đến cấp huyện. “Tổng LĐLĐ Việt Nam đang có kế hoạch chuyển đổi số cho toàn hệ thống, chúng tôi cũng phải chờ đợi để thực hiện thống nhất, đồng bộ về phần mềm, cơ sở dữ liệu”, ông Bình nói. Ông Bình cũng khẳng định, dù có không ít trở ngại, nhưng việc hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành trong tình hình hiện nay là rất cần thiết và “không thể không làm”.

Còn ông Hồ Sĩ Dũng cho biết, hạ tầng kết nối đường truyền hội trường truyền hình trực tuyến từ Ủy ban MTTQ tỉnh đến MTTQ cấp huyện sẽ được chú trọng thiết lập, đảm bảo liên lạc thông suốt để phòng, chống dịch hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục phát huy và nâng cấp Trang thông tin điện tử, Trang Fanpage Facebook Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để kịp thời tuyên truyền, giới thiệu, đưa các thông tin, hoạt động, mô hình hay, cách làm tốt, các gương điển hình tiêu biểu trong hoạt động của MTTQ và các tổ chức thành viên.

Với Tỉnh đoàn, hình thức chỉ đạo, điều hành sẽ được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị… “Quan điểm của chúng tôi là không cứng nhắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các hoạt động. Quan trọng nhất là đảm bảo phù hợp, thiết thực, hiệu quả”, anh Phạm Hồng Hiệp chia sẻ. 
 

Tác giả bài viết: Theo Báo Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây