Hội nghị phản biện dự thảo Quy định chức danh, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, khu phố; mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, khu phố và mức khoán kinh phí hoạt

Thứ năm - 12/10/2023 14:59 347 0
Thực hiện chương trình công tác năm 2023 về giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định, sáng ngày 12/10/2023, tại Hội trường cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo Quy định chức danh, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, khu phố; mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, khu phố và mức khoán kinh phí hoạt động đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Định do Sở Nội vụ chủ trì soạn thảo, xây dựng.
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
Chủ trì Hội nghị đồng chí Hồ Sĩ Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh; đại diện Lãnh đạo Đảng ủy, UBND một số xã, phường trên địa bàn tỉnh; Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm các Hội đồng Tư vấn thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Bình Định hiện có 159 đơn vị hành chính cấp xã (32 phường, 116 xã và 11 thị trấn); 1.116 thôn, khu phố (trong đó 773 thôn, 343 khu phố) với quy mô, đặc điểm và tính chất khác nhau. Tổng số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, khu phố tính đến tháng 6/2023 là 4.421 người (trong đó: ở xã, phường, thị trấn là 1.685 người; ở thôn, khu phố là 2.736 người). Theo Nghị quyết số 37/2020/NQ-HĐND, số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có 13 chức danh; ở thôn, khu phố có 03 chức danh.

Đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, khu phố tại tỉnh trong những năm gần đây đã được củng cố, từng bước hoạt động có hiệu quả, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, trực tiếp tuyên truyền, phổ biến, vận động và tổ chức nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền cấp xã, đóng góp tích cực cho việc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, khu phố, mức phụ cấp cho những cán bộ dưới cơ sở còn thấp so với mặt bằng thu nhập chung của xã hội, chưa phù hợp với thực tiễn nên chưa thu hút được những người trẻ tuổi, có trình độ tham gia hoạt động.
z4776830520938 69e2041a82ee3673b0545803050b64cd
Đại biểu tham gia phát biểu ý kiến
Tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản đồng tình, ủng hộ việc ban hành Nghị quyết là phù hợp trong tình hình hiện nay. Hội nghị cũng được nghe 14 ý kiến tham gia phản biện của đại diện các cơ quan, đơn vị đề nghị bổ sung, nghiên cứu làm rõ một số nội dung, trong đó đề nghị cơ quan chủ trì cần quan tâm: về chế độ BHYT, BHXH cho những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, khu phố; tăng số lượng chức danh Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự ở xã loại I; bổ sung chức danh xây dựng trật tự đô thị đối với các phường; tăng chế độ phụ cấp cho chức danh Văn phòng cấp ủy ở xã loại III; điều chỉnh chức danh người trực tiếp tham gia công việc của thôn, khu phố; tăng mức khoán kinh phí hoạt động đối với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, phường, thị trấn từ 24 lần mức lương cơ sở/năm lên 35 lần mức lương cơ sở/năm để đảm bảo các hoạt động được triển khai hiệu quả, kịp thời; việc có nên phân định rõ chế độ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp thôn có trình độ đào tạo từ cao đẳng hay đại học, hay chỉ nên thống nhất ở một mức phụ cấp chung? Bên cạnh đó, đại biểu cũng thảo luận về hình thức, kỹ thuật soạn thảo, tính quy pháp pháp luật của Nghị quyết để khi ban hành có tính khả thi cao, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn tại địa phương, cơ sở.

Trên cơ sở ý kiến tham gia phản biện của các đơn vị, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ tiếp thu, ghi nhận, đồng thời trao đổi, phân tích làm rõ thêm các căn cứ quy định hiện hành và tình hình thực tế của địa phương trong việc tham mưu xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định chức danh, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, khu phố; mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, khu phố và mức khoán kinh phí hoạt động đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - Hồ Sĩ Dũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo trên cơ sở các quy định sửa đổi hiện hành, đã phối hợp, kịp thời tham mưu xây dựng dự thảo Nghị quyết với nhiều nội dung mới, phù hợp với thực tế và tình hình của địa phương nhằm góp phần khuyến khích, động viên đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, khu phố; đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu nhằm phù hợp với thực tế địa phương của tỉnh trong dự thảo Nghị quyết; đề nghị Ban Tổ chức - Hành chính - Tổng hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiếp tục tổng hợp ý kiến góp ý tham gia của các cơ quan, đơn vị gửi cơ quan chủ trì soạn thảo theo đúng quy định./.

Tác giả bài viết: Lệ Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây