Đó là ông Trần Xuân Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hoài Ân và bà Cao Thị Thanh Siềng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hoài Châu Bắc (TX Hoài Nhơn).
Tận tâm với vai trò “đầu tàu”
Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hoài Ân và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hoài Châu Bắc những năm qua đạt được những kết quả đáng kể, nổi bật là công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, các phong trào thi đua, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển KT-XH, giữ vững quốc phòng - an ninh của địa phương. Kết quả này có đóng góp của những người giữ vai trò “đầu tàu”.
Ông Trần Xuân Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hoài Ân, chia sẻ: “Được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam tỉnh, trong 5 năm qua, tôi đã không ngừng nỗ lực, tham mưu cho lãnh đạo MTTQ Việt Nam huyện triển khai thực hiện tốt 5 chương trình công tác trọng tâm của Mặt trận, đạt được những kết quả tích cực. Trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhân dân Hoài Ân đóng góp trên 110 tỷ đồng, trên 65.000 ngày công lao động và trên 190 nghìn m2 đất để xây dựng các công trình cộng đồng. Đặc biệt, thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, MTTQ Việt Nam huyện đã vận động xây dựng hố rác gia đình, hố rác khu dân cư và lò đốt rác ngoài đồng... Đến nay, Hoài Ân có 7 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và thị trấn Tăng Bạt Hổ đạt chuẩn văn minh đô thị.
Quỹ Vì người nghèo các cấp của huyện Hoài Ân cũng hoạt động hiệu quả, vận động được 3,3 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 216 căn nhà cho hộ nghèo. 42 cuộc giám sát, 3 cuộc đối thoại giữa lãnh đạo đảng, chính quyền với nhân dân tại 3 xã Ân Tường Đông, Ân Đức và Ân Nghĩa đã được tổ chức, góp phần làm cho các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Ở xã Hoài Châu Bắc (TX Hoài Nhơn), Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã hướng dẫn các hội, đoàn thể phối hợp phát động xây dựng trên 40 mô hình dân vận khéo. Trong đó, thiết thực, hiệu quả nhất là các mô hình: Thắp sáng đường quê; phát hiện và tố giác hành vi xả rác thải và xác súc vật gây ô nhiễm môi trường; phát triển kinh tế từ nghề trồng hoa; quỹ tiết kiệm vì trẻ em nghèo; khu dân cư chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường...
Bà Cao Thị Thanh Siềng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, cho biết thêm: “Đơn cử như mô hình “Khu dân cư chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường” được nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Chúng tôi triển khai thí điểm mô hình vào năm 2017 tại thôn Quy Thuận, đến năm 2018 thì nhân rộng ra 9 thôn còn lại. Gần đây, khi giá heo tăng lên, hoạt động chăn nuôi mạnh hơn dẫn đến xảy ra tình trạng quá tải trong xử lý chất thải chăn nuôi ở một số hộ. Các thành viên ban vận động nhân dân thực hiện mô hình ở các thôn tiếp tục đến từng nhà kêu gọi từng hộ dân thực hiện đúng cam kết”.
Giữ “lửa”
Ở vị trí Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã tròn 5 năm, bà Siềng đúc rút được nhiều kinh nghiệm cho quá trình công tác. Bà nhấn mạnh: “Người làm công tác vận động quần chúng trước hết phải nắm chắc chủ trương; phải tạo được sự đoàn kết, thống nhất cao trong nhân dân; phải nói đi đôi với làm; “mưa dầm thấm lâu”. Mặt khác, còn phải biết lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, bức xúc của người dân; biết chọn lọc để vận dụng những kinh nghiệm hay từ thực tiễn vào từng hoàn cảnh, đối tượng cụ thể”.
Trong suốt 15 năm làm công tác Mặt trận, ông Quang cho biết: “Cảm xúc đáng nhớ nhất là mỗi khi tôi đứng trước một căn nhà đại đoàn kết được nghiệm thu, được bà con nghèo bắt tay cảm ơn trong phấn khởi và xúc động. Niềm hạnh phúc vì được giúp đỡ, sẻ chia ấy giúp tôi giữ được nhiệt huyết, tận tâm trong quá trình công tác của mình”.
Không trực tiếp có mặt tại thủ đô Hà Nội để nhận bằng khen của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhưng cả bà Siềng và ông Quang đều cảm thấy vinh dự, tự hào. Đó là động lực to lớn để họ tiếp tục phấn đấu, gắn bó hơn nữa với công tác Mặt trận, sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.